TRUYỀN THUYẾT VỀ THÁP BABEL VÀ ý nghĩa của câu: Zero The Communication GAP
Để tôi kể bạn nghe truyền thuyết về tháp Babel. Đây là một tòa tháp (có lẽ có thật) được mô tả trong sách Sáng Thế. Sau trận lụt Đại Hồng Thủy, hậu duệ của Noah đã di cư về phía Đông và định cư ở một vùng đất nọ. Thời ấy, con người vẫn còn nói chung một thứ tiếng. Họ dự định xây một ngọn tháp có đỉnh cao chọc trời, chạm đến được Thiên đàng mà không cần nhờ đến hồng ân của Thiên Chúa. Ngọn tháp này sẽ trở nên biểu tượng của loài người.
Họ nói: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán khắp mặt đất.”
Đức Chúa xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây. Đức Chúa phán: “Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa!” Thế là Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa. Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Babel, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất.
Trích Sách Sáng Thế, chương 11
Nhận thấy sự cuồng vọng của loài người, Đức Chúa đã dùng quyền năng của mình giáng tai họa xuống. Người khiến những công nhân xây dựng ngọn tháp bất chợt nói những thứ tiếng khác nhau, không còn giao tiếp được với nhau nữa. Việc xây dựng tháp Babel từ đó không thể tiếp tục, còn con người lại tách thành những nhóm nhỏ có ngôn ngữ riêng, từ đó phát triển thành những quốc gia riêng biệt.
Truyền thuyết về tháp Babel lý giải vì sao chúng ta lại có nhiều ngôn ngữ như vậy. Nhưng liệu truyền thuyết phải chăng chỉ mãi là truyền thuyết? Hay là chúng được dựng nên dựa trên những câu chuyện có thật? Giống như câu chuyện về thành Troy trong sử thi Iliad và Odyssey của Homer, người ta bắt đầu đi tìm những chứng cứ khảo cổ học. Và từ những gì thu thập được, có thể kết luận rằng đã từng có một thành phố với một cái tháp rất lớn được xây dựng với mục đích thu và phát tín hiệu. Phải chăng đây chính là nơi để con người kết nối với Thiên Chúa? Nhiều nhà ngôn ngữ học cũng đã dốc lòng nghiên cứu và nhận định rằng, càng đi ngược về quá khứ, các ngôn ngữ càng giống nhau. Vậy liệu rằng truyền thuyết tháp Babel có thật hay không? Hay chỉ là một cách giải thích cho vấn đề bất đồng ngôn ngữ giữa các quốc gia, dựa trên những sự việc có thật?
Với tôi, chuyện về tháp Babel chỉ là hiếu kỳ mà đọc, vì vốn dĩ tôi thích những thứ liên quan đến lịch sử, thần thoại. Nhưng có một chi tiết mà tôi rất chú ý ở đây, chính là việc con người, khi cùng chung một ngôn ngữ, lại dễ dàng hiệp lực, xây nên một tòa tháp chạm đến trời cao. Đến Thiên Chúa cũng phải thốt lên: “Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì mà chúng không làm được.” Bạn biết điều tôi muốn nói ở đây là gì không? Đó là khi con người chúng ta, có thể hiểu được lẫn nhau, việc trao đổi thông tin trở nên nhất quán và dễ dàng, thì không gì chúng ta không làm được cả.
Nhìn đi nhìn lại, hầu hết những thất bại, những sai lầm khi cùng hợp tác, chính là vì sự thiếu kết nối về thông tin với nhau. Có phải đã có những lần, bạn làm một công việc gì đó, và sếp gào lên với bạn rằng bạn làm chẳng đúng ý sếp gì cả? Nhưng mà ý sếp ở đây là thế nào? Cùng nói chung một ngôn ngữ thế kia, mà bạn còn chẳng hiểu được cái điều sếp muốn truyền đạt ở đây là gì, và sếp cũng chẳng nói được cho bạn biết sếp muốn chính xác cái gì nữa.
Tôi còn biết ở rất nhiều công ty khác, sau khi họp bàn bạc chiến lược xong xuôi, mọi người thống nhất ý kiến ra về nhưng lại vẫn làm theo ý mình. Vì bạn biết không, cùng là một từ, một câu, nhưng mỗi người lại có cách hiểu khác nhau. Và rồi theo bạn, kết quả buổi họp đó là thế nào? Đi xa hơn nữa, tương lai của công ty đó ra sao?
Vậy, sự thiếu hụt trong khoảng cách giao tiếp đó, bạn cũng thấy rõ nó sẽ gây ra những hậu quả gì rồi phải không? Với cùng một ngôn ngữ mà chúng ta còn như thế, thì với hai người nói hai ngôn ngữ khác thì sao? Chắc chắn là khi mỗi người mỗi thứ tiếng thì chúng ta không thể hiểu người còn lại nói gì, vậy nên không thể hợp tác làm việc cùng được rồi. Đó có lẽ là lý do giải thích vì sao Thiên Chúa lại quyết định phân rã con người, mỗi nhóm mỗi nơi, mỗi thứ tiếng, là quá đủ để ngăn trở việc xây dựng tháp Babel. Nếu Thiên Chúa chỉ cần dùng quyền năng của mình để đánh sập tòa tháp ấy, rồi ngày mai ngày kia, bọn cuồng vọng ấy cũng sẽ lại hợp sức với nhau xây nên một tòa tháp khác thôi. Mà biết bao lâu nữa, bọn ấy mới có thể cùng chung ngôn ngữ được cơ chứ? Đã 200.000 năm (hoặc hơn) kể từ khi loài Homo sapiens (tổ tiên của con người bây giờ) được hình thành. Vậy là cũng đã trải qua một thời gian dài khủng khiếp mà con người không thể đối thoại với nhau chỉ bằng duy nhất một loại ngôn ngữ rồi.
Như vậy, để cùng nhau làm được những việc to lớn, con người chúng ta cần phải hiểu lẫn nhau, trước hết là về ngôn ngữ, hai là về ý nghĩa thống nhất chung của đoạn đối thoại. Tiếng Anh đang là ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, sử dụng được ở hầu hết các quốc gia. Hai người từ hai quốc gia khác nhau, nếu muốn chung tay làm việc, từ xây nhà, tạo dựng sự nghiệp, hay cả là đi làm từ thiện, tôi nghĩ cũng cần biết sử dụng tiếng Anh. Tiếng Anh thật sự cũng rất dễ học, đặc biệt là khi bạn có công cụ, phương pháp học và môi trường để thực hành. Sau đó, khi đã thành thạo tiếng Anh, bạn có thể tiếp tục học những ngôn ngữ khác. Luôn nhớ rằng khoảng cách trong giao tiếp chính là rào cản ngăn trở việc con người cùng nhau làm nên những điều vĩ đại nhé!
Tôi thật sự không thể tưởng tượng nổi, con người sẽ làm được những gì, một khi khoảng cách giao tiếp kia bị xóa bỏ. Với trình độ khoa học hiện nay, có lẽ không chỉ một, mà sẽ là mười tháp Babel được xây dựng nên. Và chúng ta sẽ lại còn tìm ra được vô vàn cách khác để với tới trời cao nữa. Chỉ cần hiểu được nhau, trước hết là về ngôn ngữ, chúng ta sẽ làm được nhiều điều hay ho lắm.
Chính vì hiểu được tầm quan trọng của điều ấy, nên Holo chúng tôi mới quyết định để slogan là “Zero the Communication & Language Gap” đấy!